Hoa tràm nở rộ giữa bạt ngàn rừng cây, gió thổi nhẹ, lay khẽ cành lá, hương tràm thoang thoảng trong gió, xen lẫn đây đó là âm thanh của tiếng động cơ trên những công trường cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ, âu là không khí làm việc khẩn trương của người làm đường, chạy đua với thời gian, phấn đấu về đích đúng như lời hẹn.
Một ngày áp Tết Dương lịch năm 2024, chúng tôi đã có chuyến thực tế đến các công trường thuộc Dự án thành phần đoạn Vạn Ninh – Cam Lộ, thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025. Bên tách trà nóng tại Văn phòng tư vấn giám sát – Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT đóng bên đường Hồ Chí Minh thuộc xã Hải Thái, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, ông Lê Văn Anh – Tư vấn trưởng đã thông tin khái quát về tiến độ thi công dự án cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị. Cụ thể, mặt bằng địa phương giao đến đâu là các nhà thầu kịp thời triển khai thi công, như vậy cho đến thời điểm hiện tại có khoảng 20km đường đã được các đơn vị thực hiện cơ bản hoàn thành phần nền đường bằng cấp phối đá dăm, trong đó đã có 5,5km đã và đang được tiến hành thảm nhựa. Dự kiến đến hết 31/12/2023 sẽ thảm nhựa thêm 6,5km, đồng thời trên toàn đoạn thuộc địa bàn tỉnh Quảng Trị có 17 cây cầu lớn nhỏ, đồng thời có nhiều cây cầu đang được triển khai xây dựng.
Rời Văn phòng tư vấn giám sát – Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT, chúng tôi cùng anh Văn Anh đi thăm một số công trường đang thi công. Cũng xin thông tin thêm, Dự án cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ đi qua địa phận tỉnh Quảng Trị, có nhiều đoạn song song với đường Hồ Chí Minh, vì thế muốn đến được các công trường cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ là phải đi theo đường Hồ Chí Minh, khi đến điểm thi công thì cắt ngang mới đến được. Nơi chúng tôi đặt chân đến đầu tiên, là công trình đường đi qua xã Hải Thái, huyện Gio Linh, đoạn này do Công ty Cổ phần Thịnh Vượng TVT đảm nhiệm thi công.
Đang chỉ đạo công tác thi công, thấy đoàn chúng tôi đến, anh Đỗ Xuân Hà – Chỉ huy trưởng vui vẻ tiếp chuyện với chúng tôi. Anh cho biết, Công ty Cổ phần Thịnh Vượng TVT là nhà thầu phụ của Công ty Xây dựng số 1 và đảm nhiệm thi công 5,5km, đi qua địa bàn xã Hải Thái. Anh Hà cho biết thêm, đơn vị anh được địa phương bàn giao mặt bằng 3,7km/5,5km, triển khai thi công từ tháng 2/2023, tính đến nay được 10 tháng, song do gặp mùa mưa nên thời gian thi công thực tế là trong vòng khoảng 6 tháng. Có một khó khăn phát sinh, đó là đoạn đường của đơn vị anh thi công cắt ngang qua nhiều khu dân cư, nên phải chi phí thêm việc thuê đất của người dân để đầu tư làm đường công vụ vận chuyển vật liệu và đưa phương tiện vào công trường. Tuy vậy, nhưng Công ty Cổ phần TVT đã khắc phục mọi khó khăn, huy động đủ các phương tiện máy móc, cùng với 50 cán bộ kỹ sư và 30 người điều khiển phương tiện, máy móc thi công. Với quyết tâm đó, đến nay đơn vị đã thực hiện cơ bản hoàn thành phần nền đường của 3,7km đã được địa phương giao mặt bằng, trong đó có 1,4km đang được tiến hành thảm bê tông nhựa. Nếu thời tiết từ đây đến cuối tháng 12 thuận lợi thì đơn vị sẽ tiếp tục thảm bê tông nhựa thêm khoảng gần 1km.
Chia tay anh Đỗ Xuân Hà và nhóm cán bộ, người lái máy thuộc Công ty Cổ phần Thịnh Vượng TVT, chúng tôi đến công trường cầu Rào Trường, đây là cây cầu bắc qua sông Rào Trường thuộc địa bàn huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), cầu có chiều dài gần 190m, rộng 17,5m, do Công ty Cổ phần Tổng công ty Công trình đường sắt đảm nhiệm thi công. Anh Trịnh Chí Sơn – Chỉ huy trưởng của đơn vị năm nay gần 60 tuổi, với 37 năm công tác, đảm nhiệm vai trò tổng chỉ huy công trình. Có dáng người nhanh nhẹn, nước da ngăm đen, một phong độ từng trải dày dạn kinh nghiệm, có giọng nói đất võ Bình Định, anh có phong thái gần gũi, khi trò chuyện với chúng tôi anh cho biết, đơn vị anh là nhà thầu chính và đảm nhiệm thi công 7 cây cầu thuộc dự án cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Mặc dù thi công cầu gặp phải nhiều khó khăn nhất định, nhưng bằng sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo và sự quyết tâm của đội ngũ cán bộ, công nhân nên đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã triển khai thi công 5/7 cây cầu. Cây cầu Rào Trường là một trong những công trình lớn, nhưng đến nay đơn vị thi công hoàn thành khoảng 95% khối lượng công việc, một cây cầu đang hình hài giữa vùng rừng núi, dự kiến đến tháng 3 năm 2024 cây cầu này sẽ được hoàn thành, đây là một trong những thành quả chào đón xuân mới của người xây cầu trên công trường cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ.
Dự án thành phần đoạn Vạn Ninh – Cam Lộ, thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025. Tổng chiều dài tuyến là 65,54km, trong đó chiều dài qua địa bàn tỉnh Quảng Bình khoảng 33,017km (các huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy); chiều dài qua địa bàn tỉnh Quảng Trị khoảng 32,53km (các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và huyện Cam Lộ); Tổng mức đầu tư 9.919,78 tỷ đồng, được khởi công từ đầu năm 2023, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025, do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu rút ngắn thời gian thi công và hoàn thành dự án trước kế hoạch 4 tháng, tức là đến 30/7/2025. Việc rút ngắn tiến độ, chắc chắn ít nhiều tạo ra một áp lực nhất định, tuy nhiên biện pháp thi công thì không sao, mà vấn đề quan tâm là công tác giải phóng mặt bằng, bởi các nhà thầu khẳng định rằng, mặt bằng sạch được bàn giao sớm thì tiến độ thi công sẽ đáp ứng theo yêu cầu. Được biết, đến nay tiến độ giao mặt bằng của Quảng Bình đạt trên 76%, của Quảng Trị đạt trên 76%. Hiện tại, các địa phương đang tích cực triển khai các giải pháp cấp bách về công tác giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng đúng theo tiến độ kế hoạch (30/3/2024).
Với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giao thông vận tải, sự quyết tâm của chủ đầu tư, sự tăng tốc của các nhà thầu, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, tin chắc rằng đoạn đường cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ sẽ sớm hoàn thành, hún hút xuyên qua những vùng núi rừng, tạo nên một cung đường giao thông thuận lợi, góp phần vào sự phát triển kinh tế như sự mong đợi của xã hội.
Tạm biệt những người làm đường, là lúc hoàng hôn vừa buông xuống. Trở lại thành phố Đông Hà, xe lăn bánh trên đường mòn Hồ Chí Minh, những rừng cao su hai bên đường đang chuẩn bị vào mùa thay lá để tiếp tục đâm chồi nảy lộc, những rừng tràm tràn ngập hoa và xào xạc trong gió… Trong tôi bỗng miên man những câu hát trong nhạc phẩm “Tình ca mùa xuân” của Nhạc sỹ Trần Hoàn “Em ơi em mùa xuân đã về trên cành lá/Tiếng chim kêu nghe ngọt quá cho trời xanh xanh thẳm/Mùi hương nào rất quen, nghe như làn môi ấm, nghe như từ sâu thẳm đất chuyển mình sinh sôi…”.
Trích nguồn: Baoxaydung.com