Giải phóng mặt bằng tốt, cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ sẽ vượt tiến độ

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng kiểm tra tiến độ dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Vạn Ninh (Quảng Bình) – Cam Lộ (Quảng Trị).

Điểm sáng tiến độ

Ngày 20/1, Đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng dẫn đầu kiểm tra tiến độ dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Vạn Ninh (Quảng Bình) – Cam Lộ (Quảng Trị).

Lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh báo cáo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng và đoàn công tác tiến độ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ.

Dự án thành phần đoạn Vạn Ninh – Cam Lộ thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025. Dự án có tổng chiều dài tuyến 65,5km (đoạn Quảng Bình dài 32,95km, đoạn qua Quảng Trị dài 32,53km). 

Dự án chia làm 2 gói thầu, do liên danh Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn và Công ty cổ phần xây lắp 368 và liên danh Công ty CP tập đoàn Trường Thịnh, Công ty CP giao thông xây dựng số 1 và CTCP Tổng công ty Công trình đường sắt thi công.

Báo cáo bộ trưởng, ông Nguyễn Vũ Quý – Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết: Dự án khởi công ngày 1/1/2023. Đến nay, các nhà thầu đã hoàn thiện 22,6/63,8km nền đường, làm được 20,5/63,8km phần móng. Đã thảm bê tông nhựa 14km và rải được 17km cấp phối đá dăm gia cố xi măng. 

Các nhà thầu đang thi công 23/29 cầu, trong đó 12 cầu đã lao lắp dầm. Lũy kế sản lượng đến nay được 1.264/5.620 tỷ đồng, đạt khoảng 23% giá trị các hợp đồng. Ban đã giải ngân theo kế hoạch năm 2023 đạt 95%, cơ bản đáp ứng tiến độ mà Bộ GTVT đề ra. Trên công trường các nhà thầu đang huy động tối đa nhân công thiết bị, làm 3 ca kể cả ngày nghỉ và xuyên Tết.

Về mặt bằng, đến nay, các địa phương đã bàn giao được 51,61km/65,55km, đạt 79% (mặt bằng sạch đủ điều kiện thi công 48,5km, đạt 74%). Trong đó, Quảng Bình bàn giao khoảng 75%; Quảng Trị bàn giao khoảng 82% mặt bằng sạch.

Đến nay các nhà thầu trên tuyến đã thảm nhựa được 14km và dải 17km cấp phối đá dăm gia cố xi măng. Đánh dấu bước chuyển quan trọng của dự án.

“Phần mặt bằng còn lại bị chậm do chờ xây dựng các khu tái định cư. Cả hai tỉnh đang phấn đấu đến 31/3/2024 sẽ hoàn thành 13 khu tái định cư. Ngoài ra, trên tuyến còn vướng 300 vị trí phải di dời hạ tầng kỹ thuật như: cột, đường dây điện 500Kv, đường điện trung hạ thế và đường nước” – ông Quý cho hay.

Về phía nhà thầu, ông Võ Minh Hoài- Chủ tịch Tập đoàn Trường Thịnh cho biết, Trường Thịnh đủ tự tin để khẳng định sẽ thi công dự án vượt tiến độ, đạt chất lượng. Trong đoạn tuyến đơn vị đảm nhận tuy diện tích mặt bằng đang vướng còn ít nhưng đều là chỗ khó.

Cái khó là phần vướng mặt bằng rơi vào vị trí cần đắp cao, trong khi toàn bộ đất đắp là điều phối dọc, dẫn đến nơi đào được lại phải dừng chờ chỗ đổ.

Theo tính toán, nếu địa phương bàn giao đúng hạn thì Trường Thịnh sẽ thi công xong trong tháng 3/2025 (rút ngắn 9 tháng). Còn nếu tiếp tục chậm, để qua mùa nắng thì chắc chắn dự án lại phải kéo dài đến cuối năm 2025. 

Ngoài ra, ông Hoài cũng đề nghị tỉnh Quảng Trị hỗ trợ về thủ tục và quá trình đàm phán chi trả đền bù đất ở mỏ đất Vĩnh Linh để đơn vị sớm có đất phục vụ dự án.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng và Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy tặng quà động viên các kỹ sư, công nhân thi công trên công trường.

Đại tá Nguyễn Tuấn Anh – Phó tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn cho biết: Các đoạn có mặt bằng đã thi công cơ bản phần nền và thảm nhựa được 0,7km. Hiện còn vướng tới 4,3/8km chưa có mặt bằng thi công, còn một cầu chưa có mặt bằng, một cầu mới giải phóng xong đường tiếp cận còn vướng ở phần trụ… Đề nghị tỉnh quyết liệt hơn nữa trong giải phóng mặt bằng.

Cả ông Hoài và đại tá Tuấn Anh đều khẳng định: “Nếu địa phương giải phóng xong mặt bằng vào tháng 3/2024, chắc chắn nhà thầu sẽ hoàn thành dự án vượt tiến độ”.

Xã, huyện chậm, tỉnh phải xử lý

Giải thích về việc bàn giao mặt bằng (GPMB) chậm hơn so với kế hoạch, ông Đoàn Ngọc Lâm – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: Hiện nay, tỉnh đang nỗ lực bàn giao nốt phần diện tích đất nông nghiệp còn lại trong tháng này. Với phần đất ở, các khu tái định cư đang xây dựng nên còn phải chờ. Dự kiến đến tháng 3/2024, khi các khu tái định cư xây dựng xong sẽ bàn giao cho người dân xây dựng nhà ở và từng bước bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu.

Nếu được bàn giao mặt bằng kịp thời, các nhà thầu trên tuyến đều cam kết sẽ đưa dự án về đích vượt tiến độ được giao.

“Một số khu tái định cư ở Quảng Bình chậm hơn so với dự kiến là do điều chỉnh dự án để phù hợp nhu cầu nguyện vọng người dân. Để đảm bảo tiến độ bàn giao vào tháng 3/2024, tỉnh đã xây dựng phương án và cơ chế hỗ trợ người dân tiền tạm cư trong lúc chờ xây dựng nhà cửa ở nơi ở mới” – ông Lâm khẳng định.

Biểu dương và đánh giá cao kết quả nhà thầu đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết: Qua báo cáo, tiến độ thi công ở dự án này đang rất tốt. Mới chỉ vài tháng, công trường đã khác hẳn. điều này cho thấy các nhà thầu ở đây đều là nhà thầu mạnh, có năng lực.

Đối với công tác giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng đánh giá, so với toàn tuyến, dự án này đang có tiến độ GPMB chậm nhất. Mặc dù, hai tỉnh đã có cố gắng nhưng vẫn chậm, chưa đáp ứng tiến độ Chính phủ đề ra. Thời gian thực hiện dự án tuy còn nhiều, nhưng trôi rất nhanh.

Nếu cứ nói khó mà chậm thì sẽ không kịp được. Khi GPMB tỉnh nào cũng có khó khăn, như Hà Tĩnh cũng rất khó mà giờ đã cơ bản giải phóng xong mặt bằng. Với Quảng Bình, Quảng Trị, tôi rất lo! Trước đây, dự kiến bàn giao vào tháng 9, sau tỉnh xin lùi đến hết năm 2023, giờ lại cam kết đến tháng 3/2024, trong khi phần còn lại đều là phần khó nhất, phức tạp nhất.

Vì vậy, để đạt được mục tiêu đề ra, đề nghị tỉnh cần rất nhanh, rất quyết liệt, có chính sách riêng hỗ trợ người dân và đặc biệt là phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong trường hợp, xã, huyện chậm, tỉnh phải có chế tài… Công trình không chờ chúng ta được. Tất cả phải hi sinh lợi ích cá nhân vì quốc gia, dân tộc. Ở đây chúng ta xác định “không có đường lùi”.

Bộ trưởng cũng lưu ý Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, các đơn vị tư vấn và nhà thầu không được chủ quan, phải tiếp tục đẩy nhanh tiến độ ở nơi đã có mặt bằng. Làm từng bước, làm cuốn chiếu để trong năm 2024 cơ bản thông tuyến, sang 2025 tập trung hoàn thiện dự án.

“Bộ GTVT quyết tâm sẽ thông toàn tuyến cao tốc từ Bắc vào Nam trong năm 2025. Riêng đoạn từ Nghệ An đi Khánh Hòa sẽ phấn đấu về đích sớm hơn” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.

Trích nguồn: Baogiaothong.vn

Share:
Tin liên quan
Tin liên quan