Bộ GTVT chính thức công bố quy hoạch đường sắt

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, sẽ đề xuất cơ chế huy động vốn ngoài vốn ngân sách để thực hiện quy hoạch đường sắt.

Đến năm 2030 sẽ có 9 tuyến đường sắt mới

Chiều nay (1/11), Bộ GTVT tổ chức lễ công bố Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại lễ công bố, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, từ tháng 2/2020, Bộ GTVT đã giao Cục Đường sắt VN tổ chức lựa chọn Tư vấn và tiến hành lập quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực đường sắt

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, để thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cần huy động các nguồn lực ngoài vốn ngân sách

Hơn một năm qua, cơ quan lập quy hoạch đã tiến hành khảo sát thực địa, điều tra, thu thập số liệu nhằm đánh giá thực trạng kết quả thực hiện quy hoạch thời kỳ trước; Làm việc trực tiếp và lấy ý kiến thống nhất với các địa phương có liên quan về một số định hướng lớn của quy hoạch. Cùng đó, tổ chức nhiều hội thảo để xin ý kiến của các địa phương, các hội nghề nghiệp, các chuyên gia và các nhà khoa học.

Theo Quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, về vận tải: Khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 0,27%; Khối lượng vận chuyển hành khách đạt 460 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 4,40% (trong đó đường sắt quốc gia 21,5 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 1,87%). Khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 7,35 tỷ tấn.km, chiếm thị phần khoảng 1,38%; hành khách 13,8 tỷ khách.km, chiếm thị phần khoảng 3,55% (trong đó đường sắt quốc gia 8,54 tỷ khách.km, chiếm thị phần khoảng 2,22%).

Kết quả nghiên cứu quy hoạch mạng lưới đường sắt đã đánh giá thẳng thắn các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm trong thời gian tới.

Đồng thời, trên cơ sở định hướng phát triển KT-XH đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thông qua, kết quả dự báo nhu cầu vận tải, lợi thế và phân bổ giữa các phương thức vận tải trên từng hành lang quy hoạch lần này đã đề ra các quan điểm, mục tiêu, giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế.

“Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện công phu, nghiêm túc, tuân thủ đúng trình tự, thủ tục của Luật Quy hoạch. Đến nay, Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769 ngày 19/10/2021”, Thứ trưởng Đông cho hay.

Thứ trưởng cũng cho biết, quy hoạch xác định mục tiêu đến năm 2030 thực hiện cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả 7 tuyến đường sắt hiện có; Quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới với tổng chiều dài 2.362 km. Đến năm 2050, mạng lưới đường sắt quốc gia được quy hoạch bao gồm 25 tuyến với chiều dài 6.354 km.

Riêng giai đoạn đến 2030, nghiên cứu triển khai kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt mới, trong đó ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, các tuyến kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế, sân bay quốc tế, đường sắt đầu mối tại thành phố lớn, nghiên cứu để triển khai tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ.

Đề xuất cơ chế huy động nguồn lực xã hội đầu tư đường sắt

Lễ công bố được tổ chức với sự tham dự của các Bộ, ngành, địa phương theo hình thức trực tuyến

Phát biểu tại lễ công bố, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT đã hoàn thành toàn bộ 5/37 quy hoạch ngành quốc gia. Trong đó, quy hoạch đường sắt là quy hoạch thứ ba được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau quy hoạch mạng lưới đường bộ và quy hoạch hệ thống cảng biển.

Với việc cùng lúc xây dựng 5 quy hoạch giao thông, Bộ GTVT đã tiến hành rà soát, đánh giá sự phát triển các loại hình vận tải thời gian qua, cùng đó xác định tiềm năng, thế mạnh của từng lĩnh vực, từ đó đưa ra các quy hoạch chuyên ngành phù hợp.

“Việt Nam có bờ biển dài, đường sắt chạy song song với bờ biển. Do đó, đối với vận tải hàng hóa Bắc – Nam, vận tải biển ven bờ sẽ được ưu tiên nhất vì có thể vận chuyển được khối lượng lớn, hàng siêu trường, siêu trọng, chi phí thấp. Cùng đó, nâng cấp tuyến đường sắt hiện có, đầu tư các tuyến đường sắt kết nối cảng biển lớn để vận tải hàng hóa.

Đối với vận tải hành khách, chúng tôi tham mưu với Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ là sẽ xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam để vận chuyển hành khách, cạnh tranh với hàng không.l”, Bộ trưởng nói.

Liên quan đến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Bộ trưởng cho biết, quy hoạch đường sắt xác định, từ nay đến năm 2030 sẽ triển khai hai đoạn ưu tiên là Hà Nội – Vinh và Nha Trang – TP.HCM. Bộ GTVT sẽ tích cực tham mưu, để Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong nhiệm kỳ này, còn nhiệm kỳ tới tập trung lập dự án, giải phóng mặt bằng… mục tiêu có thể khởi công một số gói thầu trong các năm 2028, 2029.

“Về nhu cầu vốn, Bộ GTVT sẽ cố gắng tham mưu để bố trí cho ngành Đường sắt 240.000 tỉ giai đoạn 2021-2030. Số tiền còn lại sẽ bố trí sang các giai đoạn tiếp theo đến khi hoàn chỉnh hệ thống đường sắt”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng cho biết, quy hoạch đề ra sẽ đầu tư đường sắt kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào, Campuchia, trong đó trước tiên sẽ đầu tư đường sắt kết nối ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) tạo thuận lợi cho hàng hóa từ Việt Nam đi thẳng châu Âu. Cùng đó, đầu tư đường sắt kết nối cảng biển, cảng hàng không…

“Với quy hoạch đường sắt, chúng ta có được bức tranh toàn diện, không chỉ cải tạo đường sắt hiện hữu, mà còn xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đường sắt kết nối để làm sao khai thác tốt vận tải hàng hóa, hành khách.

Trách nhiệm sắp tới của Bộ GTVT là phối hợp với các Bộ ngành, địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch. Trong đó, xây dựng quy hoạch kĩ thuật chuyên ngành, chi tiết hơn, lộ trình cụ thể hơn. Đồng thời đề xuất với Chính phủ cơ chế huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách Nhà nước như vốn ODA, vốn các nhà đầu tư, vốn xã hội để thực hiện quy hoạch”, Bộ trưởng nói.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt, đến 2030, cải tạo nâng cấp 7 tuyến đường sắt hiện hữu dài tổng cộng 2.440 km; Quy hoạch 9 tuyến mới dài tổng cộng 2.362 km, bao gồm: Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; Vành đai phía Đông TP.Hà Nội; Hà Nội - Hải Phòng mới; Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ; Biên Hòa - Vũng Tàu; TP.HCM - Cần Thơ; TP.HCM - Lộc Ninh; Thủ Thiêm - Long Thành.Đến 2030, tổng nhu cầu quỹ đất của đường sắt là 16.419 ha, chiếm 7% nhu cầu quỹ đất toàn ngành; Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho đường sắt khoảng 240.000 tỷ, chiếm tỷ trọng 13% toàn ngành.

Share:
Tin liên quan
Tin liên quan